Điểm chuẩn lớp 10 tại TPHCM dự báo sẽ tăng ở trường tốp đầu, tốp cuối; sẽ có hơn 15.000 thí sinh bị loại khỏi cuộc đua vào lớp 10 công lập
Chiều 17-7, hơn 82.000 thí sinh (TS) tại TP HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; sở sẽ tập huấn công tác làm phách, chấm thi, khẩn trương chấm bài và thông báo kết quả sớm. Dự kiến ngày 27-7, sẽ công bố kết quả thi.
Môn toán giảm độ khó
Tiếp tục là đề thi được ra theo hướng đổi mới như các năm trước, đề thi môn toán đúng như dự đoán có những câu hỏi ứng dụng từ thực tiễn cuộc sống để giải quyết vấn đề. Nhưng đề toán năm nay, theo đánh giá của nhiều giáo viên là đã giảm độ khó so với năm trước.
Thầy Bùi Sĩ Khanh, Ban Chuyên môn trường học thông minh 789.vn, cho biết đề thi năm nay có cấu trúc quen thuộc, mức độ nhẹ hơn so với các năm, đề bao quát các kiến thức trọng tâm của năm học. Câu 3 trong đề thi là một câu đã gặp tương tự đề thi tuyển sinh năm 2019. Đề có tính phân hóa qua các câu 3b, 8b và 8c. Theo thầy Khanh, điểm thi năm nay sẽ nhiều ở mức điểm 7 và 8. Tuy nhiên, điểm 10 sẽ không nhiều.
Thầy Lâm Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết cấu trúc đề thi tương tự đề thi của năm trước, đúng như định hướng của Sở GD-ĐT TP HCM. Trong đó câu 1, câu 2 và câu 8 là những câu truyền thống. Nếu làm trọn vẹn những câu này, học sinh sẽ có tổng 5,5 điểm. Các câu còn lại là bài toán thực tế, mỗi câu từ 0,75-1 điểm.
Cũng theo thầy Chính, cách đặt vấn đề của các câu hỏi thực tế đòi hỏi TS phải có khả năng phân tích và hiểu câu hỏi nên những học sinh khá, giỏi mới có thể đạt từ 8 điểm trở lên. “Phổ điểm năm nay dao động ở khoảng từ 6-7 điểm. Đề thi toán năm nay cũng khá thú vị khi câu số 3 đặt ra vấn đề tính can, chi của âm lịch. Tuy khá xa lạ với học sinh nhưng mang ý nghĩa giá trị truyền thống rất lớn” – thầy Chính nói.
Đề thi mở và có độ dễ chịu hơn năm trước, nhiều học sinh làm được bài, vậy câu hỏi đặt ra là điểm tuyển sinh lớp 10 năm nay sẽ biến động ra sao? Theo thầy Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, nếu nhìn vào phản hồi của HS sau khi thi là đề dễ, sẽ có nhiều điểm cao, kéo theo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng. Tuy nhiên, hiện chưa khẳng định về điểm chuẩn, vì đề dễ nhưng tùy từng phân khúc học sinh.
Cô Văn Trịnh Quỳnh An, giáo viên Trường THPT Gia Định, nhận định điểm chuẩn năm nay có thể tăng ở các trường tốp đầu và cuối, riêng tốp giữa giữ nguyên. Phổ điểm môn văn tương tự năm ngoái, vào khoảng từ 6,5-8 điểm. Riêng đề tiếng Anh và toán, dù có câu hỏi đánh đố nhưng không làm khó được học sinh khá, giỏi.

Hơn 15.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 công lập
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, năm học này TP HCM có hơn 100.000 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong 2 ngày thi, tổng số TS dự thi là 81.751. Năm học 2020-2021, các trường THPT công lập tại TP HCM sẽ tuyển 66.520 học sinh vào lớp 10. Như vậy, năm học này sẽ có hơn 15.000 TS bị loại khỏi cuộc đua vào lớp 10 công lập.
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, rớt lớp 10 công lập với học sinh không phải là điều gay go, vì hướng đi sau THCS rất rộng cửa. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết hiện học hệ nào thì bằng tốt nghiệp THPT cũng như nhau, trong khi hệ giáo dục thường số môn ít hơn, học phí thấp, học sinh có thời gian đầu tư cho việc thi ĐH. Hệ thống giáo dục dạy nghề cũng rất ổn vì các trường đã đầu tư trang thiết bị, có trường đào tạo theo chuẩn khu vực. Tổng chỉ tiêu đào tạo ở những hệ này thừa sức đáp ứng chỗ học cho học sinh. Hằng năm, tổng chỉ tiêu của hệ thống các cơ sở giáo dục nói trên khoảng 30.000 – 35.000 chỗ học.
Theo số liệu từ Sở GD-ĐT TP HCM, 90 trường THPT ngoài công lập cũng là lựa chọn của không ít phụ huynh khi con em không đậu vào lớp 10 công lập. Thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú), cho hay trường dự kiến tuyển 900 học sinh lớp 10. Để thu hút người học, trường đã đầu tư trang thiết bị học tập hiện đại, đội ngũ giáo viên uy tín, đẩy mạnh các hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học, giáo dục kỹ năng. Trường có bán trú, nội trú để thuận tiện cho phụ huynh không có điều kiện đưa rước con. Hằng năm, trường có chính sách như miễn, giảm học phí cho học sinh giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách, có công với cách mạng, con em các chiến sĩ vùng biển, đảo…
Cũng trong năm học sắp tới, hàng loạt trường THPT dân lập, tư thục giảm học phí và các khoản phí đóng bán trú, nội trú, học 2 buổi/ngày. Đơn cử, Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6) giảm tiền học 2 buổi/ngày từ 1.690.000 đồng/học sinh/tháng của năm học trước xuống còn 1.450.000 đồng trong năm học này.
Theo ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5), năm học này, trung tâm tuyển khoảng 350 học sinh. Ngoài các môn văn hóa, học sinh sẽ được học miễn phí với thời lượng 2 buổi/tuần chương trình trung cấp nghề. Sau khi kết thúc chương trình, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề. Trung tâm cũng chú trọng với 2 môn học ngoại ngữ, tin học để học sinh đáp ứng những yêu cầu cơ bản về các kỹ năng sau khi hoàn thành. Khi có bằng nghề, có kỹ năng tin học và ngoại ngữ, sau khi tốt nghiệp, các em có thể bước ngay vào thị trường lao động.
“Theo: https://nld.com.vn/”